Các bệnh viện (cả công và tư), thậm chí cả các doanh nghiệp thi nhau mở ra khu vực khám dịch vụ, khám tự nguyện, kham chua benh theo yêu cầu… để thu phí với giá cao, không thanh toán BHYT.
Dịch vụ tư trong lòng bệnh viện công
Cùng với việc Nhà nước cho phép xã hội hóa y tế vào năm 2006, cũng là lúc các loại hình dịch vụ, mô hình khám chữa bệnh, điều trị tự nguyện phát triển mạnh, các phòng khám tư nhân cũng mọc lên như nấm sau mưa, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Tuy vậy, những mặt trái của xã hội hóa y tế đang dần bộc lộ.
Trong bối cảnh hiện nay, điều kiện kinh tế, đời sống của người dân ngày càng khấm khá, trong khi các BV công lập luôn quá tải trầm trọng, rất nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền để được
kham chua benh nhanh hơn, dịch vụ tốt hơn.
Nắm bắt được "tâm lý" này nên các BV (cả công và tư), thậm chí cả các doanh nghiệp thi nhau mở ra khu vực khám dịch vụ, khám tự nguyện, khám chữa bệnh theo yêu cầu… để thu phí với giá cao, không thanh toán BHYT.
Tại BV Nhi TW, có các loại hình tự nguyện A, B, C, trong đó tự nguyện A là đắt nhất với 680.000 đồng/lần khám, các loại hình "tự nguyện" còn lại ở mức 90.000 đồng/lần khám. Trong khi đó, giá khám BHYT khi chưa tăng viện phí là 3.000 đồng/lần khám - một số BV đã xin tăng lên mức phí 20.000 đồng/lần khám và được duyệt.
Được biết, mỗi năm chỉ tính riêng khoa điều trị tự nguyện A đã khám cho khoảng 4.000 bệnh nhân ngoại trú và điều trị khoảng 400-500 bệnh nhân nội trú. Các khu vực tự nguyện khác cũng luôn trong tình trạng quá tải.
Tương tự, tại BV Việt Đức, khoa Khám bệnh theo yêu cầu ngoài việc thu tiền khám cao hơn các khu vực khác còn đưa ra các mức giá khác biệt về tiền giường nằm, trong đó có loại giường 1,5 triệu đồng/ngày (luôn trong tình trạng "cháy phòng").
Các BV trực thuộc Sở Y tế như BV Xanh Pôn, BV Phụ sản, BV Thanh Nhàn… cũng đều có khu vực khám dịch vụ với giá cao hơn hẳn khu vực thông thường.
Phòng khám 56 Hai Bà Trưng - phòng khám tự nguyện của BV Phụ sản Trung ương, thời gian gần đây luôn quá tải trầm trọng bởi nhu cầu của người bệnh quá lớn. Theo bảng thông báo phí dịch vụ được niêm yết công khai, của phòng khám này (tính từ ngày 1 - 7 - 2012): Phí dịch vụ khám thai là 200.000đồng/lượt; khám phụ khoa 200.000 đồng/lượt; hút thai dưới 12 tuần tuổi giá 700.000 đồng; siêu âm 4 chiều giá 350.000 đồng/lượt; chụp MRI từ 1,5 đến 2,7 triệu đồng...
Mức giá trên không chỉ cao gấp nhiều lần mức giá khám chữa thông thường tại BV, mà còn cao hơn đáng kể so với phí dịch vụ của các phòng khám tư.
Các bệnh nhân xếp hàng "rồng rắn" chờ đến lượt mình vào khám.
Trả phí cao hơn để… dài cổ ngóng chờ?
Ngày 23 - 7 - 2012 tại BV Bạch Mai, Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, dẫu phí dịch vụ cao hơn gấp nhiều lần so với bình thường, nhưng bệnh nhân và người nhà vẫn tập trung tại đây để được "khám chữa bệnh với chất lượng cao, chăm sóc toàn diện". PV báo PL&XH ghi nhận được tình trạng quá tải: Tại hành lang và sảnh chờ la liệt người đứng, ngồi, dãy ghế chờ không còn chỗ trống, nhiều người ngồi bệt xuống nền đất… để đợi đến lượt mình vào khám bệnh.
Phí dịch vụ khám chữa bệnh tại đây được chia theo nhiều "cấp độ": "Giáo sư khám bệnh, phí 200.000 đồng/lượt; PGS khám, phí 150.000 đồng/lượt; Tiến sĩ và Bác sĩ chuyên khoa 2, phí 120.000 đồng/lượt; Thạc sĩ và Bác sĩ chuyên khoa 1, phí 100.000 đồng/lượt; Bác sĩ khám bệnh phí 70.000 đồng/lượt. Được biết mỗi ngày bình quân Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu tiếp nhận chừng 400 lượt người khám bệnh, thậm chí có dịp lên đến cả ngàn người.
"Tôi từ Hà Nam đem con ra đây khám chữa bệnh, từ hơn 7h sáng đã có mặt để làm thủ tục. Tôi định cho cháu khám thường, nhưng thấy đông người quá, không biết đợi khi nào mới đến lượt mình. Nên tôi sang Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng cũng… không nhanh được, bác sĩ hẹn tôi 11h quay lại lấy kết quả, nhưng không đúng hẹn, do bệnh nhân đông quá họ làm việc không xuể nên hẹn chúng tôi đầu giờ chiều" - Anh Nguyễn Văn Thanh, một người nhà bệnh nhân cho biết.
Phòng khám "dịch vụ tự nguyện" kiểu như trên, được cho là "giải pháp" giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách, giảm quá tải cho BV, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… Thế nhưng dường như rất dễ để nhận ra, mục đích chính của những khu vực này không… "như vậy" mà chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có khả năng chi trả cao, nhằm tăng nguồn thu cho các BV.
Mặt khác ở nhiều BV việc ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất công để phục vụ cho một nhóm người bệnh, đang có nhiều biểu hiện thiếu minh bạch và tạo ra sự bất công. Một thực tế, đang diễn ra ở nhiều BV, người dân bỏ phí cao hơn mức thông thường vẫn phải chịu đựng sự quá tải; ở một số BV khác khắc phục được tình trạng trên, lại tạo ra sự tương phản "giàu nghèo".
Nhiều người nhà bệnh nhân từng khám bệnh tại các khu "dịch vụ, tự nguyện" tỏ ra bức xúc khi "chất lượng chưa tương xứng với số tiền bỏ ra". Ngoài việc một số cán bộ y tế ở những khoa này còn non kém về nghiệp vụ, thì việc người bệnh phải bỏ tiền ra cao hơn mức thông thường gấp nhiều lần mà vẫn phải chờ đợi lâu, vẫn phải chịu đựng sự "quá tải" là điều khó chấp nhận.
Khảo sát ở nhiều phòng, khoa khám chữa bệnh "dịch vụ, tự nguyện, theo yêu cầu" của nhiều BV, PV ghi nhận được sự bức xúc của người dân: "Mình mất tiền để hưởng dịch vụ tốt nhất, vậy mà bác sĩ mặt khó đăm đăm, chẳng thèm nở một nụ cười chào hỏi bệnh nhân, vẫn phải chờ đợi trong khi phí dịch vụ thì đắt đỏ. Biết thế này, khám bảo hiểm cho xong" - Một người nhà bệnh nhân cho biết.
Công bằng mà nói, những gì đang xảy ra cho thấy việc khám chữa bệnh "dịch vụ, tự nguyện" nói trên, người bệnh cũng được khám nhanh hơn một chút so với khám thông thường, và thái độ phục vụ của các y, bác sĩ có nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn mất rất nhiều thời gian và vẫn phải chịu đựng tình trạng "quá tải", trong khi họ đã phải chi tiền gấp nhiều lần mức thông thường.
Dường như các BV đang lợi dụng tâm lý muốn được phục vụ tốt (của bệnh nhân và người nhà); lợi dụng dịch vụ tự nguyện để móc túi bệnh nhân.