Điều trị bệnh tại biến mạch máu não
Tôi 64 tuổi đang điều trị bệnh tai biến mạch máu não (giai đoạn hậu tái phát ) tại BV ĐH Y Dược khoa Tim mạch và khoa Nội thần kinh, đã xin chuyển sang điều trị ở khoa Nội thần kinh BV ĐHYD. Vậy nên chữa tại khoa nào để có cách điều trị tốt nhất? Khi điều trị tại khoa Tim mạch BS kê thuốc: Preterax, khoa Nội thần kinh BS kê toa thuốc: amlodipine. Vậy nên uống theo toa nào để có cách điều trị tốt nhất? Được biết là 02 loại thuốc trên có ảnh hưởng đến sinh lý, vậy thì có không? Và 02 loại thuốc đã nêu trên có chức năng giống nhau hay khác nhau? Nếu có loại thuốc nào không ảnh hưởng đến sinh lý thì có thể đổi được không? Hiện tại vẫn dùng thuốc preterax và mới hết thuốc, chưa dám chuyển sang dùng thuốc Amlodipine 5mg. 28-02-2009 cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, xuất viện sau 03 ngày cấp cứu, BS chẩn đoán di chứng của nhồi máu não bán cầu phải, rối loạn chuyển hóa lipid. Hiện huyết áp bình thường, đường huyết và mỡ máu bình thường.
Thư hỏi của ông Quang cho thấy ông rất băn khoăn vì bị tai biến mạch máu não tái phát và đã di chứng. Tai biến mạch máu não còn gọi là đột quỵ. Đột quỵ có thể do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Nguyên nhân thường gặp nhất gây nhồi máu não là bệnh lý xơ vữa động mạch tạo thành mảng xơ vữa bám trên thành mạch não. Khi mảng xơ vữa bị vỡ, huyết khối sẽ tạo ra trên nền mảng xơ vữa ấy, làm bít tắc hoàn toàn lòng động mạch; hoặc huyết khối vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ, trôi đi theo dòng máu đến gây bít tắc các nhánh động mạch não nhỏ hơn. Vùng não được tưới máu bởi động mạch bị tắc sẽ bị tổn thương thiếu máu rồi hoại tử, tức là “nhồi máu”. Xơ vữa động mạch thường xảy ra trên người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc tăng cholesterol máu không được điều trị đúng, người hút thuốc lá, nam giới trên 45 tuổi, phụ nữ đã mãn kinh, những người béo phì hoặc thừa cân và những người có lối sống thụ động ít vận động thể lực, hoặc người có thân nhân trực hệ bị nhồi máu cơ tim sớm… Một nguyên nhân khác cũng gây nhồi máu não là huyết khối được thành lập tại tim do bệnh van 2 lá hoặc rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, sau đó theo dòng máu lên gây tắc động mạch não. Mặt khác, tăng huyết áp lâu ngày không được điều trị đúng cách còn làm cho thành mạch máu não yếu đi và dễ vỡ, hoặc các dị dạng mạch máu não bị vỡ, máu từ lòng mạch tràn ra ngoài, chèn vào mô não xung quanh, gây ra đột quỵ kiểu xuất huyết não. Bệnh nhân đột ngột bị yếu hoặc liệt hẳn một nửa bên người kèm với yếu hoặc liệt nửa mặt cùng bên biểu hiện là “méo miệng” hoặc “nói đớ”. Nếu bệnh nhẹ, vận động tay chân phục hồi lại hoàn toàn sau khoảng thời gian 24 – 48 giờ. Tuy nhiên trong đa số các trường hợp bệnh nhân bị yếu hoặc liệt vận động kéo dài, gọi là di chứng tai biến mạch máu não. Trường hợp não bị tổn thương nặng bệnh nhân có thể bị rối loạn tri giác, lơ mơ hoặc hôn mê, thậm chí có thể ngưng thở và tử vong rất nhanh. Như vậy, để phòng ngừa tai biến mạch máu não và tai biến tái phát, chúng ta cần điều trị ổn định các bệnh lý gây nhồi máu não hoặc xuất huyết não, cũng như có chế độ sinh hoạt và ẩm thực phù hợp. Nếu có hút thuốc lá nhất thiết phải bỏ thuốc. Người thừa cân hoặc béo phì phải cố gắng giảm cân bằng cách ăn kiêng và tăng cường vận động thể lực. Chế độ ăn ít muối, ít chất béo và nhiều rau quả. Phải điều trị thật tích cực các bệnh gây xơ vữa động mạch như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu. Cụ thể phải kiểm soát tốt huyết áp (phải hạ huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mm Hg và huyết áp tâm trương xuống dưới 90 mm Hg nếu người bệnh không có đái tháo đường, huyết áp tâm thu xuống dưới 130 mm Hg và huyết áp tâm trương xuống dưới 80 mm Hg nếu người bệnh có đái tháo đường), kiểm soát tốt đường huyết nếu người bệnh có đái tháo đường (điều chỉnh đường huyết lúc đói xuống dưới mức 126 mg/dL), kiểm soát tốt cholesterol nếu người bệnh có tăng cholesterol máu (hạ LDL cholesterol máu xuống dưới mức 100 mg/dL). Các thuốc kháng tiểu cầu uống như aspirin và clopidogrel (biệt dược Plavix) rất hữu ích trong việc phòng ngừa nhồi máu não mới và nhồi máu não tái phát, vì các thuốc này phòng ngừa thành lập huyết khối gây tắc mạch trên nền mảng xơ vữa động mạch.
Trở lại trường hợp của ông, tôi nghĩ di chứng và tái phát tai biến mạch máu não, cụ thể là nhồi máu não, liên quan đến tuổi, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Vì vậy, điều trị phối hợp cả 2 chuyên khoa Nội tim mạch và Nội thần kinh tại BV Chợ Rẫy và Đại học Y Dược là phù hợp. Amlodipine là thuốc thuộc nhóm ức chế kênh canxi. Preterax là biệt dược phối hợp một thuốc ức chế men chuyển là perindopril với một thuốc lợi tiểu là hydrochlorothiazide. Các thuốc này có cơ chế tác dụng khác nhau, nhưng đều nhằm ổn định huyết áp và có tác dụng bảo vệ giảm nguy cơ tai biến tim mạch và tai biến mạch não cho người bệnh tăng huyết áp. Có rất nhiều nhóm thuốc hạ áp khác nhau, trong đó nhóm thuốc ức chế beta được ghi nhận là làm giảm ham muốn tình dục hơn là những nhóm thuốc mà BS đang kê toa cho ông. Có khi điều lo lắng, bận tâm này lại xuất phát từ chính bệnh mà ông đang có là tăng huyết áp và rối loạn lipid máu, thường được xem là “kẻ phá đám” đời sống tình dục nhiều nam giới lớn tuổi. Ông có vẻ băn khoăn, lưỡng lự, không tuân thủ toa thuốc điều chỉnh huyết áp khiến tôi e rằng các bệnh lý này của ông chưa được điều trị ổn định. Quan niệm của y học hiện đại chữa bệnh không chỉ để cứu mạng mà còn nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ông đừng ngại bày tỏ với BS những vấn đề tế nhị nhưng rất ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị này. BS sẽ hướng dẫn hoặc điều chỉnh toa thuốc cho thích hợp. Điều trị tăng huyết áp và xơ vữa động mạch, cũng như phục hồi chức năng sau tai biến mạch não và dự phòng tai biến tái phát thường lâu dài, nếu không muốn nói là điều trị suốt đời.
Mong ông an tâm điều trị và sớm hồi phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét