Chứng nháy mắt liên quan đến bệnh gì? - Khám chữa bệnh
Nháy mắt (hay còn gọi là tic mắt) là những cử động không có chủ ý, thường xảy ra ở cả hai bên mắt, do co thắt cơ dưới da mi, cơ vòng mi phần trước sụn và cung mày. Khi nháy mắt thì cơ vùng mặt cũng có thể co giật theo, các cơn co có thể kéo dài trong vài giây đến vài phút.
Nháy mắt xảy ra khi mệt mỏi và bệnh tật
Nhiều nghiên cứu cho biết, chúng ta có thể bị nháy mắt trong các trường hợp sau: khi cơ thể bị mệt mỏi do mất ngủ, do căng thẳng thần kinh, thiếu máu hoặc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, viêm giác mạc... Các bệnh liên quan đến nháy mắt gồm: tổn thương của nhân xám trong não, bệnh nơron thần kinh bị giảm tính trơ đối với dopamine hay cường kích thích bởi dopamine.
Một số hình thái động kinh cơn nhỏ, trong các bệnh lý có tổn thương dây thần kinh số V, VII; hoặc dây V, VII bị kích thích bởi các bệnh loét giác mạc, viêm màng bồ đào, khô mắt, zona mắt; bệnh gây thoái hóa nơron thần kinh như Parkinson, hội chứng Wilson; cơn Hysteria; do dùng một số thuốc hướng thần kinh...
Nháy mắt thuyên giảm hay biến mất cũng rất thay đổi: có khi bệnh nhân nói, hát, hay nhìn xuống là nháy mắt đã biến mất. Nháy mắt nặng lên khi bệnh nhân nhìn tập trung, khi lắng nghe chăm chú, nhưng sẽ thuyên giảm khi bệnh nhân được nghỉ ngơi.
Cấu tạo của con mắt
Biểu hiện nháy mắt
Nghiên cứu cho thấy có nhiều hình thái nháy mắt như sau: nháy chủ yếu ở mắt, thường cả hai bên là dạng phổ biến nhất. Hình thái có loạn trương lực cơ vùng mặt: các cơ vòng mi, cơ cung mày và cơ trán đều bị ảnh hưởng. Nháy mắt trong hội chứng Meige thường gặp ở người trên 50 tuổi. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn trương lực các cơ vùng sọ mặt như co rút các cơ vòng mi, cơ dưới da, cơ nhai, cơ nói, cơ nuốt và các cơ vùng cổ. Loạn trương lực cơ khu trú ở khối cơ vòng mi trước sụn với biểu hiện chủ yếu là các rối loạn vận động của mi. Co rút cơ vùng mặt là hiện tượng co các cơ vùng mặt thuộc sự chi phối của dây thần kinh số VII. Các cơ mi mắt co rút trước, sau đó sẽ lan sang co các cơ khác vùng mặt. Hơn một nửa các trường hợp là bệnh nhân có tiền sử liệt dây thần kinh số VII cùng bên trước đây. Quặm nhất thời do co cơ vòng mi trước sụn.
Điều trị thế nào?
Điều trị nháy mắt cần phối hợp giữa việc dùng thuốc, nghỉ ngơi và tâm lý liệu pháp. Các thuốc được sử dụng nhằm mục đích chủ yếu là lập lại cân bằng giữa hai hệ thần kinh thể dịch: dopamine là chất trung gian thần kinh gây co cơ và cholinergic là chất trung gian thần kinh gây giãn cơ. Điều trị phẫu thuật gồm nhiều phương pháp như hủy một số nhánh của dây thần kinh số VII; cắt lọc cơ vòng trên sụn và trước sụn, treo mi. Một phương pháp điều trị mới là tiêm độc tố gây liệt cơ cũng đang được phổ biến rộng rãi.
Phòng bệnh bằng cách loại bỏ các nguyên nhân gây nháy mắt. Bạn cần sắp xếp thời gian để ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi ngày tránh cho mắt không bị mệt mỏi do thiếu ngủ. Loại bỏ hoặc hạn chế những trạng thái gây căng thẳng thần kinh. Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị tích cực các bệnh gây nháy mắt như: thiếu máu, cận thị, loạn thị, viêm giác mạc, bệnh gây tổn thương dây thần kinh số V.
Khi mắt phải hoạt động lâu hoặc có bất cứ tác động bất ngờ nào từ môi trường vào các sợi cơ vòng trong mí mắt đều dẫn tới phản ứng co cơ gây nên hiện tượng nháy mắt. Một lần chớp mắt chỉ diễn ra trong 1/10 giây nhưng có tác dụng kỳ diệu làm giảm căng thẳng, tránh khô mắt và loại bỏ các hạt bụi trong mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét