Tâm sự của bác sỹ chữa bệnh cho người nghèo
Hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong công tác quản lý như trưởng bộ môn răng trẻ em (Viện Đào tạo Răng hàm mặt), phó giám đốc trung tâm kỹ thuật cao Răng Hàm Mặt nhưng tiến sĩ - bác sĩ (TS.BS) Võ Trương Như Ngọc vẫn âm thầm sắp xếp công việc để tình nguyện xung phong tới khắp mọi miền của Tổ quốc để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Bí thư đoàn "ham vui"
Chúng tôi gặp TS.BS Như Ngọc khi anh vừa kết thúc công việc kham chua benh và đang tất bật chuẩn bị cho lễ ra quân của chuyến đi tình nguyện ở Sơn La vào sáng sớm hôm sau. Vóc dáng thư sinh cùng với nụ cười luôn nở trên môi, anh Ngọc hào hứng tự nhận mình là một bí thư đoàn ham vui, không bỏ sót một chuyến đi khám chữa bệnh nào. Như Ngọc cho biết sở dĩ mình tham gia hoạt động đoàn rồi gắn bó với phong trào tình nguyện là do thời gian làm sinh viên dài hơn bạn bè cùng trang lứa. Đặc biệt môi trường đại học Y luôn dẫn đầu trong các trường đại học về các phong trào tình nguyện, trị bệnh cứu người nên Ngọc nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy nhiệt huyết đó.
Tốt nghiệp trường đại học Y Hà Nội năm 2000, Ngọc tiếp tục theo lớp đào tạo bác sĩ nội trú, tham gia khóa đào tạo cao học do Pháp tài trợ, làm nghiên cứu sinh và bảo vệ tiến sĩ vào năm 2011. Hiện, Như Ngọc là một trong những tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Viện Đào tạo Răng hàm mặt.
Theo Như Ngọc, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh luôn quan niệm trách nhiệm của một người thầy thuốc là trách nhiệm san sẻ với cộng đồng nên đã tham gia nhiều chuyến đi tình nguyện chữa bệnh miễn phí do đoàn trường phát động.
Thời gian đầu, vào khoảng những năm 2000, đoàn tình nguyện của anh đã tổ chức khám chữa bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn ở những vùng lân cận Thủ đô Hà Nội như: Làng trẻ SOS, trung tâm thương binh xã hội… Không chỉ thụ động chờ nguồn kinh phí eo hẹp để hoạt động, Ngọc đã chủ động cùng với một vài bác sĩ khác sáng lập ra nhóm tình nguyện hoạt động theo hình thức vừa cống hiến y đức của bản thân mình để khám chữa miễn phí cho những người nghèo, vừa kiêm luôn khâu kêu gọi tài trợ để có kinh phí hoạt động.
TS.BS Như Ngọc (bên phải) thăm khám miến phí cho các cháu nhỏ ở bệnh viện Đặng Thùy Trâm - Quảng Ngãi
Ngày ấy, cậu học trò thư sinh Như Ngọc vốn nhút nhát là thế nhưng cũng không ít lần bạo dạn đến gõ cửa nhà các thầy cô giáo để đề xuất xin hỗ trợ: "Nhiều khi thương sinh viên nghèo lại nhiệt huyết với những công tác thiện nguyện nên nhiều thầy cô giáo trong trường cũng sẵn sàng ủng hộ giúp đỡ nếu có điều kiện", Ngọc nói. Nhóm Hồng Phúc hoạt động trong vòng 4 năm, rong ruổi nhiều tỉnh thành để chữa bệnh miễn phí và được nhiều bà con các vùng miền dành cho những tình cảm sâu sắc. Sau này những thành viên trong nhóm lần lượt có gia đình cũng như bận công tác phát triển sự nghiệp nên một nhóm các sinh viên trẻ khác đã kế tục để duy trì hoạt động.
Tinh thần tình nguyện
Theo TS.BS Ngọc, mỗi lần di chuyển làm tình nguyện không hề đơn giản bởi ngoài nhân lực, thuốc men thì hệ thống máy móc đi theo khá cồng kềnh. Vì thế chỉ cần liên hệ xin được xe tài trợ miễn phí là cả đoàn đã gần như trút được một nửa gánh nặng. Có những chuyến đi, số lượng xe chỉ xin được ít, trong khi máy móc lại cồng kềnh, cũng may mọi người trong đoàn ý thức nên ưu tiên máy móc rồi mới lựa tìm chỗ ngồi sau. Thậm chí không có cả chỗ ngồi buộc phải đứng nhưng ai cũng vui vẻ và nhiệt tình".
Mô hình hoạt động của các bác sĩ tình nguyện là vừa kết hợp khám bệnh, chữa bệnh nhưng quan trọng hơn cả là khâu phát hiện bệnh. "Người dân ở vùng xa phần lớn đều trong tình trạng mắc bệnh nhưng không hay biết nên việc phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý như liên hệ chuyển lên bệnh viện tuyến trên là việc làm vô cùng quan trọng".
Ngọc nhớ, vào năm 2011, trong một lần chữa bệnh miễn phí ở Chiêm Hóa - Tuyên Quang thì phát hiện ra trường hợp một bệnh nhân rất đáng thương là một bé gái 5 tuổi bị dị tật bẩm sinh không có tai và bị hở hàm ếch. Thương cảm trước số phận thiệt thòi của em bé đồng thời với trách nhiệm của một vị thầy thuốc đức độ, Ngọc đã cố gắng tạo mọi điều kiện để đưa em bé đó và gia đình về các bệnh viện lớn ở Hà Nội để chữa trị. Anh chạy đôn chạy đáo liên hệ tới những chương trình chữa bệnh nhân đạo để làm thủ tục cho họ.
Ngọc chia sẻ: "Do vốn kiến thức và hiểu biết hạn hẹp lại không có điều kiện tiếp xúc cập nhật thông tin truyền thông nên những người dân nghèo đôi khi lại không biết được những quyền lợi họ được hưởng. Vì thế giúp họ chữa bệnh là một phần đồng thời bọn mình cũng chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền tới những đối tượng này".
Đau đầu nghĩ mẹo dụ bệnh nhân nhí hợp tác
Ròng rã 13 năm nay, Ngọc đã trải qua hàng trăm chuyến đi tới khắp những tỉnh thành trong cả nước. Mỗi lần đi, tiếp xúc và chữa bệnh cho người dân, Ngọc càng thấu hiểu cuộc sống thực sự của những người dân nghèo. Nhớ có lần đi tình nguyện ở Biển Hồ - Campuchia để thăm khám cho cộng đồng người Việt, anh không khỏi xót xa trước những thân phận người xa xứ thiệt thòi trăm bề.
Mặc dù việc di chuyển và điều kiện ăn ở khó khăn, phần lớn là liên hệ trú ngụ ở trạm xá, trường học của xã, huyện... nhưng những tình cảm mộc mạc của bà con là động lực giúp Ngọc và cả nhóm tình nguyện hoạt động hăng say hơn. "Quà của những người nghèo nơi đây sang lắm thì được con gà bắt vội trong chuồng, nắm cơm nếp thơm mùi gạo mới... nhưng phổ biến nhất vẫn là rau rừng. Trước những tình cảm ấy, bọn mình đều vui vẻ nhận rồi sung quỹ cùng với bà con tổ chức nấu ăn cải thiện rất vui", Ngọc chia sẻ.
Ngọc cho biết thêm: "Mục tiêu của đoàn tình nguyện luôn ưu tiên người già và trẻ em nên với những đối tượng trẻ nhỏ thì việc kham chua benh đôi khi cũng cần phải đau đầu nghĩ "mẹo" để chữa. Hầu như trẻ nhỏ thường mang tâm lý sợ bác sĩ nên trong số dụng cụ mang theo tôi không bao giờ quên mang... máy chiếu. Những lúc tiếp bệnh nhân là trẻ em thì máy chiếu sẽ dùng vào việc chiếu phim... hoạt hình để dụ trẻ ngồi ngoan cho bác sĩ thăm khám". Đôi khi trong nghệ thuật chữa bệnh đối với trẻ nhỏ không còn cách nào khác là phải áp dụng những phương pháp phản khoa học. "Mặc dù mình vừa tuyên truyền việc hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt sẽ làm ảnh hưởng đến răng lợi nhưng muốn dụ được trẻ hợp tác với bác sĩ lại không còn cách nào khác là đem kẹo ra dụ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét