Khám sức khỏe định kỳ - nên hay không
Mình làm bên ngành y, có chút hiểu biết về y học và sức khỏe. Đi ra các nước, thấy người ta chăm sóc sức khỏe rất chu đáo, không như dân mình _ một phần cũng do kinh tế khó khăn, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu hiểu biết. Mình viết bài viết này nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho mình, gia đình và người thân. Chúc mọi người làm việc tốt, sức khỏe vượng.
1. Vì sao phải khám sức khoẻ định kỳ.
Người Việt chúng ta thường có thói quen "có bệnh mới đến bệnh viện". Thêm 1 lý do nữa là đến xin/mua một số giấy tờ chứng nhận cho một số mục đích khác. Mặc dù ai cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng "phòng bệnh hơn chữa bệnh" nhưng phần lớn chúng ta lại từ chối hoặc ngờ vực một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Vâng, đó là khám sức khoẻ định kỳ.
Bỏ qua những nhiêu khê trong công tác y tế tại các bệnh viện (vấn đề này sẽ được bàn luận trong 1 topic khác), việc khám sức khoẻ định kỳ giúp chúng ta phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh tật, hạn chế tối đa những thương tổn và biến chứng gây ra bởi 1 số bệnh.
Kết quả khám sức khoẻ định kỳ giúp đánh giá toàn diện tình trạng sức khoẻ hiện tại của bản thân. Đưa ra những lưu ý cần thiết cho việc điều chỉnh cường độ lao động, thói quen, chế độ ăn uống, việc sử dụng các chất kích thích độc hại, v.v…
Điều quan trọng nhất là khám sức khoẻ định kỳ giúp phát hiện sớm được nhiều căn bệnh nguy hiểm phổ nhưng biến tiến triển âm thầm, đến khi xuất hiện triệu chứng thì đã quá trễ. Ví dụ như:
- Viêm gan siêu vi B, C.
- Các loại ung thư nguy hiểm như ung thư Vú, ung thư Cổ tử cung, ung thư Tuyến tiền liệt, ung thư Phổi, ung thư Gan, ung thư Trực Tràng….
- Bệnh cao huyết áp.
- Bệnh tiểu đường
- Rối loạn mỡ máu.
- Sỏi túi mật, Sỏi thận, sỏi niệu quản.
- Suy thận.
……. Những bệnh kể trên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể mang lại kết quả tốt cho sức khoẻ.
2. Thời gian khám sức khoẻ định kỳ:
Với mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước và thức ăn hiện nay ở những thành phố lớn. Tôi cho rằng, nên khám sức khoẻ định kỳ hàng cho những bạn từ 25 tuổi trở lên. Và 3 năm một lần cho những bạn dưới 25 tuổi.
3. Nội dung khám sức khoẻ định kỳ:
Quá trình khám sức khoẻ bao giờ cũng gồm 4 phần cơ bản: Kham tong quat thông qua việc trao đổi với bạn về chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghề nghiệp, bệnh di truyền trong gia đình v.v.. kết hợp với các thông số sức khoẻ cơ bản. Xét nghiệm máu và nước tiếu cho cái nhìn đầy đủ về chức năng, tình trạng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, cũng như đánh giá về hệ thống phòng thủ của cơ thể bạn. Chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện sớm nguy cơ xuất hiện những bệnh nguy hiểm như Lao, Ung thư v.v… Bước cuối cùng là tổng kết hồ sơ sức khoẻ và tư vấn. Phần lớn các bạn đi khám sức khoẻ định kỳ thường mong muốn kết thúc sớm và không quan tâm nhiều đến nội dung khám. Mình xin đưa ra chi tiết các nội dung trong khám sức khoẻ định kỳ:
- Khám tổng quát: đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, khám nội, khám ngoại, Tai mũi họng, Răng, mắt, Kham phu khoa (Nữ).
- Xét nghiệm: công thức máu (khoảng 20 thông số), đường máu, ure máu, Creatinine máu, Men gan (SGOT và SGPT), HpsAg (viêm gan siêu vi B), HbsAb (kháng thể siêu vi B), anti HVC (viêm gan siêu vi C), Mỡ máu (Cholesterol, Triglyceride, HDL, LDL), Phân tích nước tiểu.
- Chẩn đoán hình ảnh: X-quang phổi, điên tâm đồ, siêu âm bụng và chậu, siêu âm tuyến vú (nữ).
- Tổng kết hồ sơ và tư vấn sức khoẻ: Đây là bước cuối cùng, bác sĩ dựa trên kết quả tất cả các thăm khám ở trên để đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng sức khoẻ của bạn, cho bạn những lời khuyên về những thăm khám nâng cao nếu cần thiết, hoặc những lưu ý về sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng v.v… Lưu ý: bạn nên tận dụng tối đa thời gian này để "thắc mắc" tất cả những thông số thăm khám, những lưu ý về sức khoẻ mà bạn quan tâm.
4. Các bước chuẩn bị cho việc khám sức khoẻ:
- Tâm lý: khám sức khoẻ định kỳ là 1 việc hoàn toàn cần thiết và hữu ích. Và mục đích chính của việc khám sức khoẻ định kỳ là phòng bệnh. Vì vậy bạn không có gì phải lo lắng hoặc căng thẳng. Hãy đi khám sức khoẻ như một ngày đi tham quan bệnh viện.
- Tiền - tất nhiên rồi, he he. Nếu bạn có bảo hiểm của những công ty lớn thì nên tận dụng nó. Giá cả chênh lệch phần lớn vào chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ nhưng dao động từ 800k đến 1,8 triệu (nữ đắt hơn nam vì có khám phụ khoa ^^). Nếu các bạn không quá eo hẹp về tài chính, lời khuyên là các bạn nên nghĩ đến những nơi có chất lượng phục vụ tốt, khám sức khoẻ không quá khó và đòi hỏi chuyên sâu nên các bệnh viện phòng khám đều làm tốt. Tuy nhiên đi khám sức khoẻ mà phải ấm ức vì chờ đợi hoặc thái độ hách dịch của điều dưỡng, bác sĩ thì dễ mang thêm bệnh lắm!
- Nên đi khám vào buổi sáng sớm. Nhớ nhịn đói, chỉ uống nước, không uống sữa, chất kích thích. Vào bệnh viện đăng ký xong đến lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm trước. Sau đó thì có thể ăn sáng rồi vô tư đi khám các phần khác sau. Nếu bệnh viện không quá đông bệnh nhân khám, bạn có thể nhận kết quả vào đầu giờ chiều khoảng 13, 14h.
- Ghi nhớ những triệu chứng khó chịu bạn hay gặp trong thời gian khoảng 3 tháng. Tăng cân, giảm cân bất thường, hoặc tất cả những vấn đề bạn lo lắng, quan tâm đến sức khoẻ v.v… để "thắc mắc" với bác sĩ khi tổng kết hồ sơ.
5. Lưu ý:
- Một số bệnh viện hoặc phòng khám thường yêu cầu "mở rộng" những thăm khám nâng cao. Các bạn nên yêu cầu bác sĩ giải thích chi tiết và rõ ràng. Nếu không hiểu hoặc chắn chắn, các bạn hoàn toàn có thể từ chối và kết thúc quá trình khám sức khoẻ. Kết quả khám sức khoẻ có thể được dùng để làm tiền đề khi bạn mang đến bác sĩ mà bạn tin tưởng xem xét và quyết định có thực hiện thăm khám nâng cao hơn hay không.
Ở Hà Nội, bạn có thể khám tại các bệnh viện như xanh-pon, bạch mai là tốt nhất. Nhưng đợi lâu và nhiều khi gặp đc y bác sỹ chuối thì ức chế ( Bài ca phong bì ^.^). Phòng khám thì bạn có thể tham khảo một số phòng khám tư vừa và nhỏ, nhưng đảm bảo chất lượng, giá cả công khai, trước khi khám có thể vào phòng khám tham quan trước...tốt nhất là có người quen trong ngành thì tuyệt vời. Lưu ý là Các phòng khám kiểu bác sỹ TQ hay đăng quảng cáo rầm rộ (maria, khương trung.v.v…)thì dễ bị chặt chém lắm.
Mình làm bên ngành y tế, có bạn nào thắc mắc gì về sức khỏe cứ đưa câu hỏi, mình sẽ tư vấn tận tình, free ^^..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét