Khám sức khỏe định kỳ sao cho hiệu quả
“Mỗi ngày khám bệnh là mỗi ngày tôi phải chứng kiến biết bao điều đáng tiếc. Đôi khi chỉ cần đi khám bệnh sớm vài tháng, bệnh nhân đã không phải chết. Sinh mạng con người được đánh đổi bằng thời gian”.
“Có còn sống để nuôi con?”
Chia sẻ trên đây là của bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm y khoa Medic (TP.HCM). Ông kể về ca bệnh vừa khám xong - một bà mẹ ngoài 20 tuổi đang nuôi con nhỏ: “Bệnh nhân đã hỏi tôi một câu rất đau lòng: “Bác sĩ ơi, liệu quyết định mổ thì cháu có còn sống để nuôi con không?”. Tôi khuyên cô ấy phẫu thuật vì cũng không còn cách nào khác trong bối cảnh khối u trong ổ bụng đã lớn lắm rồi, đến 6 cm, đã gây nghẹt ruột rồi, không mổ sẽ chẳng thể bảo toàn tính mạng.
Nhưng phẫu thuật cũng chỉ có thể giúp kéo dài cuộc sống thêm một thời gian. Quả là quá đáng tiếc vì cách đây hơn 1 năm, khi cô ấy có thai, bác sĩ đã phát hiện thiếu máu. Đó là do khối u còn nhỏ, khiến máu chảy ra ngoài theo phân rỉ rả. Còn bây giờ khi khối u rất lớn, máu thoát ra ngoài ồ ạt lại kèm theo đau bụng dữ dội, bệnh nhân mới đi kiểm tra. Nếu được điều trị ngay từ cách đây hơn 1 năm, kết quả hẳn là đã rất khả quan rồi”.
Ảnh: Shutterstock
Những bệnh lý phổ biến ở VN được phát hiện thông qua khám sức khỏe định kỳ:
- Viêm gan do siêu vi: do lây lan trong cộng đồng và thiếu chủng ngừa.
- Tiểu đường: do chế độ ăn uống không hợp lý.
- Cao huyết áp: do áp lực cuộc sống ngày càng cao.
- Ung thư, phổ biến nhất là đường tiêu hóa rồi đến ung thư gan và vú: do môi trường sống ô nhiễm, thức ăn độc hại và tuổi thọ tăng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đó là câu nghe rất quen tai với tất cả chúng ta. Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một cách hữu hiệu để phòng bệnh, vì thông qua các cuộc kiểm tra, chúng ta sẽ biết được tổng trạng của cơ thể, biết được các chỉ số của cơ thể để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập, dùng thuốc để kịp thời chữa trị những căn bệnh mới phát sinh hoặc phòng những căn bệnh có nguy cơ tấn công cơ thể.
Nhưng tỷ lệ dân số khám sức khỏe định kỳ không phải là lớn, khám cho đúng cách lại càng ít hơn.
Khám sức khỏe giống đi... nhà hàng
Bác sĩ Hải cho biết, hầu hết các công ty, các đơn vị tập thể đăng ký khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên đều dựa trên một yếu tố quan trọng nhất: túi tiền. Hễ đơn vị nào có nhiều tiền thì “gắp” nhiều món trong “menu” khám bệnh, ít tiền thì gắp ít món, áp dụng giống nhau cho tất cả nhân viên, trong đó rất nhiều đơn vị chỉ khám qua loa chiếu lệ cho có, vì thế cuộc khám sức khỏe định kỳ nhiều khi chẳng mang lại kết quả là bao.
Đó là chưa kể ngay cả bản thân người lao động, vì những lý do khác nhau, chẳng hạn sợ bị sa thải khi phát hiện bệnh hiểm nghèo đã tráo những người khỏe mạnh hơn, nhờ đi khám sức khỏe hộ. Tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ chưa được đánh giá đúng mức.
Trong khi đó, theo tư vấn của bác sĩ Hải, khám sức khỏe định kỳ cần được thực hiện dựa trên 3 yếu tố cơ bản: tuổi tác, lịch sử gia đình và môi trường làm việc. Càng lớn tuổi, bệnh tật càng dễ phát sinh nên càng cần rút ngắn thời gian khám định kỳ và cùng lúc tăng cường các xét nghiệm, chụp chiếu.
Người khám sức khỏe cũng cần kể rõ với bác sĩ về lịch sử bệnh tật của các thành viên trong gia đình, chẳng hạn nếu trong nhà có người từng bị ung thư, người khám sức khỏe có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) toàn thân, vốn có chi phí khá cao, để tầm soát ung thư. Những ai làm việc trong các môi trường độc hại cũng sẽ cần có những chỉ định riêng phù hợp.
Ngoài ra, lối sống của bản thân và các biểu hiện của cơ thể cũng cần được xem tới khi quyết định chọn “món” nào trong “menu”, chẳng hạn một người hay nhậu, có dấu hiệu đau khớp thì cần xét nghiệm chỉ số a xít uric để tầm soát bệnh gout.
Thế nên, công tác tư vấn trước khi khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng, quyết định hiệu quả của cuộc khám sức khỏe.
Khám cũng chết...
“Khám cũng chết, không khám cũng chết, thà chết mà không phải lo lắng, thắc thỏm vì biết mình mang bệnh vẫn hay hơn” - đó là lý do mà anh X.T giải thích cho việc không bao giờ khám sức khỏe định kỳ, dù công ty mà anh đang làm việc năm nào cũng tổ chức khám sức khỏe hoàn toàn miễn phí cho toàn bộ nhân viên.
Và thế là anh T. vẫn cứ vui vẻ mỗi chiều nhậu lai rai, tối thức tới tận 2, 3 giờ sáng, rít cả gói thuốc lá mỗi ngày, thể dục là thứ không bao giờ biết tới... Những người có quan điểm như anh T. không phải là hiếm dù thực tế là đa phần bệnh tật, nếu được phát hiện ở giai đoạn rất sớm có thể chữa trị dứt điểm mà không quá tốn kém, người bệnh có cuộc sống hoàn toàn bình thường sau đó.
Không thiếu những người “cùng hội” với anh T. tới khi phát hiện một căn bệnh nào đó (thường là đau không chịu nổi mới đi khám) thì cuống cuồng chữa trị bằng mọi giá, quá sợ hãi khi đối diện với cái chết. Nhưng ở giai đoạn bệnh đã rất nặng, kết quả chữa trị thường không mấy khả quan.
Ở bên kia thái cực, có những người lại quá ám ảnh về một bệnh lý nào đó đến bất bình thường. Như anh N.T vừa đưa tiễn một đồng nghiệp ung thư phổi vẫn thường ra hành lang văn phòng hút thuốc chung với anh. Giữa đám tang, T. cứ thấy ngực mình đau nhói, lập tức chạy ngay vào bệnh viện chụp X-quang phổi. May mắn thay, phổi anh vẫn “chạy” tốt. Nhưng vài hôm sau, anh có vài cơn ho, dường như là ho rất khó, T. lại chạy vào bệnh viện chụp X-quang. Sau 3 tuần, anh thấy cổ mình dường như đầy đàm, lại vào bệnh viện nằng nặc đòi chụp X quang. Cứ như thế, mới 4 tháng sau đám tang kể trên, T. đã đi chụp X-quang tổng cộng 6 lần, trong khi thuốc lá thì vẫn cứ... rít đều đều.
Cuối cùng, xin được kết thúc bằng lời khuyên của các chuyên gia y tế nhằm giúp phòng bệnh hữu hiệu: hãy chọn cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống, làm việc, vận động điều độ và khám sức khỏe định kỳ hợp lý...
Tags: kham chua benh, kham tong quat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét